Sau hơn 12 năm đầy biến động của thị trường Bất động sản (BĐS) kể từ cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2007-2008, đến thời điểm bây giờ thị trường BĐS đã trải qua nhiều giai đoạn “đầy biến động” khác nhau và giá trị BĐS vẫn tăng qua từng năm.
Tình hình thị trường Bất động sản sau hơn 12 năm kể từ khi cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu 2007-2008 diễn ra
Sau đợt khủng hoảng kinh tế toàn cầu, thị trường đầu tư tụt dốc, nhiều doanh nghiệp đứng trên bờ vực phá sản.
Nhìn trên thị trường BĐS nói riêng, sau công cuộc khủng hoảng nghiêm trọng thị trường BĐS dường như bị “đóng băng” do nhu cầu trong và ngoài nước giảm thiểu. Lãi ngân hàng tăng nhanh, các dự án gần như ngưng hoạt động vì không đủ nguồn vốn tiếp tục triển khai hoặc các dự án xây dựng xong nhưng khó bán được do nhu cầu mua giảm mạnh. Các nhà đầu tư đã “đứng ngoài không yên” với bài toán trả nợ ngân hàng.
Vào cuối tháng 08/2011, một báo cáo của ngân hàng Crédit Suisse đã nêu lên những rủi ro đối với các công ty và ngân hàng, và đã đi đến kết luận nhắn gởi đến các nhà đầu tư nào muốn vào thị trường Việt Nam: “ Chúng tôi khuyến cáo nên tránh các lĩnh vực dịch vụ tài chính và bất động sản, vì đây là những lĩnh vực nằm ở trung tâm điểm tình trạng nợ xấu hiện nay ở Việt Nam”.
Những điều này đã tạo nên một thời kỳ “đen tối” cho thị trường BĐS, kéo dài một khoảng thời gian ít lâu sau đó.
Nhưng mặt tốt là “sự kiện” này đã kéo giá nhà đất giảm mạnh, xuống một mức giá hợp lý, đúng thực tế hơn và phù hợp với đa số người dân Việt Nam.
Thị trường BĐS phục hồi, giá nhà đất tăng mạnh
Nếu lấy cột mốc giá nhà đất từ giai đoạn 2015-2016 thì cơn sốt nhà đất bắt đầu trở lại.
Giá đất đến thời điểm năm 2020 đã tăng đến 30% so với giai đoạn năm 2015-2016. Những dự án BĐS giá rẻ đang dần dần biến mất khỏi thị trường thay vào đó là những dự án trung và cao cấp tăng nhanh. Cũng không phải là điều ngạc nhiên khi giá nhà đất tăng 2-3 lần trong vòng nửa thập niên qua, khi có quá nhiều yếu tố củng cố làm giá trị BĐS và cơn sốt nhà đất tăng cao.
Trong nhiều báo cáo gần đây, Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) đã liên tục cảnh báo ách tắc thủ tục pháp lý làm đội giá thành các dự án nhà ở. HoREA cho biết, từ tháng 10/2015 đến hết năm 2020, TP.HCM có không dưới hàng trăm dự án nhà ở thương mại bị ách tắc thủ tục đầu tư xây dựng hoặc có nguồn gốc quỹ đất thuộc Nhà nước quản lý phải rà soát thủ tục pháp lý. Việc này dẫn đến không thể huy động vốn từ khách hàng làm tăng chi phí tài chính cho chủ dự án dẫn đến việc tăng giá bán. Quỹ đất ngày càng hạn hẹp, lại thêm vấn đề pháp lý làm cho nguồn cung sản phẩm ra ngoài thị trường một ngày khan hiếm thêm, “cầu” vượt quá “cung” giá trị tăng là điều không quá khó hiểu.
Thêm một trong các nguyên nhân dẫn đến việc giá BĐS tăng là các chủ đầu tư không còn mặn mà với việc xây dựng dự án giá rẻ khi mà chi phí nhân công, vật tư xây dựng bỏ ra khá lớn và đặc biệt là giá đất tăng không kiểm soát 2-3 lần so với trước đây, khiến giá trị BĐS giá rẻ tiệm cận với phân khúc trung cấp. Áp lực đầu vào công sức, vốn liếng quá lớn buộc các chủ đầu tư phải lựa chọn phân khúc cao hơn để bù đắp chi phí.
Lấy ví dụ phân khúc căn hộ điển hình, những căn hộ giá rẻ từ 1-1,5 tỷ đồng trước đây hiện tại đã gần như biến mất khỏi thị trường, thay vào đó là đa số dự án các căn hộ từ trung đến cao cấp chiếm phần lớn.
“Hơn chục năm trước tôi dùng số tiền tiết kiệm để mua một miếng đất nhỏ ở Bình Chánh, TP.HCM khoảng hơn 600 triệu đồng và để đó. Đến thời điểm này có người trả tôi miếng đất đó hơn 1 tỷ nhưng tôi không muốn bán, tôi không ngờ là sau hơn chục năm đất khu vực ven thành phố lại tăng giá cao như vậy.”- Chị Như một Nhân viên văn phòng chia sẻ.
Có thể nói thị trường BĐS cho dù trải qua nhiều giai đoạn thăng trầm, có thể có lúc trầm lặng rất lâu nhưng cũng có lúc tăng nhanh đến bất ngờ. Nhưng nhìn chung về tương lai, thị trường BĐS sẽ phát triển theo hướng đi lên khi mà dân số ngày một tăng, đất không thể “tự nở”, đồng tiền trượt giá mỗi năm theo chu kỳ nhất định, giá nhà đất sẽ tăng theo thời gian lâu dài về sau.
Tham khảo thêm:
Lê Thuật