Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết sắp hoàn thành
BÌNH THUẬNDự kiến cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết hoàn thành cuối năm nay sẽ tạo lực đẩy cho thị trường bất động sản, du lịch tại khu vực này.
Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết dài 99 km, mặt đường hơn 32 m, quy mô 6 làn xe, vận tốc 120 km/h. Tổng mức đầu tư hơn 12.500 tỷ đồng, gồm cả chi phí xây dựng, thiết bị, bồi thường giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư…
Tuyến cao tốc này có ý nghĩa quan trọng đối với phát triển kinh tế – xã hội của Bình Thuận và các vùng lân cận. Khi hoàn thành, hành trình từ TP HCM đến trung tâm du lịch Phan Thiết – Mũi Né được rút ngắn một nửa, còn 2-2,5 tiếng. Cao tốc sẽ kết nối với sân bay Long Thành.
Cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết nằm trong 4 tuyến thuộc “Dự án xây dựng một số đoạn đường bộ cao tốc phía Đông giai đoạn 2017-2020” cùng với các đoạn Mai Sơn – Quốc lộ 45, Cam Lộ – La Sơn, Vĩnh Hảo – Phan Thiết.
Theo Bộ Giao thông Vận tải, đoạn cao tốc Cam Lộ – La Sơn (98 km) đến nay đã xong khoảng 94,5% giá trị hợp đồng, dự kiến hoàn thành trong tháng 10, đoạn Mai Sơn – quốc lộ 45 (63,3 km) hoàn thành 69,5% khối lượng, đoạn Vĩnh Hảo – Phan Thiết (hơn 100 km), đạt hơn 50,1%, đoạn Phan Thiết – Dầu Giây (99 km), đạt 55,7% khối lượng công việc.
Vừa qua, Bộ Giao thông vận tải phát động thi đua nước rút “120 ngày đêm thông xe kỹ thuật” tính từ ngày 10/9 đến 31/12 dành cho 4 trục đường. Việc này tạo động lực để các nhà thầu tăng tốc đưa các tuyến này về đích đúng hạn.
Tiến độ thi công đến tháng 4 của cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây đoạn qua tỉnh Đồng Nai. Ảnh: Quỳnh Trần
Khi các tuyến đường đi vào hoạt động sẽ là “cú hích” lớn về giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội cho nhiều địa phương. Điều này tạo lực đẩy lớn giúp thị trường bất động sản kết hợp du lịch Bình Thuận nói chung và Phan Thiết nói riêng trở nên sôi động hơn.
Nhiều chuyên gia dự báo đây sẽ là đòn bẩy, tác động đến tâm lý dịch chuyển của khách hàng và thu hút lượng khách du lịch lớn từ TP HCM và các tỉnh miền Đông, miền Tây Nam bộ tới Phan Thiết vui chơi, đầu tư. Các dự án sau khi hoàn thành sẽ tạo nên sự kết nối liền mạch, với khu vực phía Nam, góp phần tăng sức hút cho thị trường bất động sản và du lịch tại khu vực.
Song song đó, Bình Thuận đã thực hiện nhiều kế hoạch thu hút khách du lịch để tận dụng cơ hội này. Điển hình như kế hoạch đăng cai tổ chức “Năm du lịch quốc gia 2023”. Điểm nhấn của chuỗi sự kiện là việc phối hợp với các địa phương như Ninh Thuận, Lâm Đồng, TP HCM để tổ chức một số hoạt động mang tính liên tỉnh, liên vùng nhằm tận dụng thế mạnh mới từ hạ tầng. Qua đó, Bình Thuận mang kỳ vọng sẽ phát triển bứt phá để sớm trở thành một trong những điểm đến hàng đầu ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.
Được định hướng trở thành đô thị hạt nhân tỉnh Bình Thuận, cùng với cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây sắp thông xe khiến Phan Thiết càng có sức hút mạnh mẽ với giới đầu tư. Trong hàng loạt những dự án, quy mô lớn hiện hữu tại đây có thể kể đến là “siêu thành phố biển NovaWorld Phan Thiet” tọa lạc tại trên đường Lạc Long Quân, xã Tiến Thành, TP Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận.
Khách sạn Movenpick Resort Phan Thiet tại khu đô thị du lịch NovaWorld Phan Thiet. Ảnh: Novaland
Đại diện đơn vị phát triển Novaland cho biết, sau ba năm NovaWorld Phan Thiet đã chứng minh cho sức bật của đô thị kinh tế du lịch sôi động khi đã đón hàng trăm nghìn lượt khách du lịch và nhiều nhà đầu tư. Trong dịp lễ Quốc khánh vừa qua, khu đô thị du lịch này đã đón khoảng 20.000 người đến vui chơi, tham quan và nghỉ dưỡng.
“Dự kiến, dịp lễ tết tới đây, con số này sẽ tăng lên đáng kể, nhất là khi cao tốc Phan Thiết – Dầu Giây chuẩn bị thông xe vào cuối năm nay”, đại diện Novaland nhấn mạnh.
Theo cam kết, hai dự án cao tốc Dầu Giây – Phan Thiết và Phan Thiết – Vĩnh Hảo sẽ thông xe kỹ thuật vào cuối năm nay. Hiện chủ đầu tư và nhà thầu đều phải chạy đua tiến độ ngay trong mùa mưa để kịp “về đích”.
Có mặt tại vị trí đồi 30, 32 và 34 của gói thầu XL-02, đoạn Dầu Giây – Phan Thiết qua tỉnh Bình Thuận, phóng viên Tuổi Trẻ chứng kiến các nhân viên kỹ thuật lắp thiết bị nổ mìn, phá đá. Nhiều xe máy khoan, xe cuốc, xe ben liên tục ra vào để nối tiếp các công đoạn.
Ông Thái Bá Đạt – cán bộ nhà thầu Phương Thành – chia sẻ đây là các đoạn có khối lượng công việc lớn và khó khăn nhất của gói thầu. Nếu hoàn thành các vị trí này sẽ thuận lợi cho các hạng mục tiếp theo.
Còn tại gói thầu XL-04 của đoạn Phan Thiết – Vĩnh Hảo, ông Trịnh Quốc Quân – cán bộ nhà thầu Vinaconex – cho biết công trường luôn vận hành liên tục, làm đến đâu cuốn chiếu đến đó. “Trước đây, trước khi thi công hạng mục gì thì nhà thầu phải báo trước khoảng 24 đến 48 tiếng để tư vấn giám sát chuẩn bị các thủ tục ra hiện trường.
Còn bây giờ thì các bên lúc nào cũng có mặt, hễ làm tới đâu là chúng tôi có mặt sớm nhất để cùng phối hợp. Việc này đã tiết kiệm rất nhiều thời gian” – ông Trịnh Đình Chinh, cán bộ tư vấn giám sát tại gói thầu số XL-04 đoạn Phan Thiết – Vĩnh Hảo, nói thêm.
Theo Ban quản lý dự án 7 (đại diện chủ đầu tư đoạn Phan Thiết – Vĩnh Hảo), tổng sản lượng xây lắp đến cuối tháng 9 đạt khoảng 51,3%, chậm khoảng 3,8% so với kế hoạch.
Kể từ khi phát động phong trào thi đua “120 ngày đêm để thông xe kỹ thuật trước ngày 31-12”, dự án đã có nhiều chuyển biến, các nhà thầu tăng ca, tăng kíp, huy động thêm thiết bị, dây chuyền và sản lượng thi công đang tăng dần đều (gần 1,5 lần so với thời điểm đầu tháng 9).
Còn theo Ban quản lý dự án Thăng Long (đại diện chủ đầu tư đoạn Dầu Giây – Phan Thiết), khối lượng thực hiện từ khởi công đến nay khoảng 57,7%, cơ bản đáp ứng tiến độ điều chỉnh.
Chủ đầu tư này cũng cho hay mùa mưa đến sớm và kéo dài nên chưa đẩy nhanh được tiến độ. Chỉ riêng trong tháng 9 thì mất 20 ngày mưa. Chủ đầu tư này cũng nhìn nhận nguy cơ không kịp thông xe kỹ thuật cuối năm nay nếu thời tiết vẫn bất lợi, giá cả vật tư vật liệu tiếp tục tăng cao.
Các chủ đầu tư trên cũng cho biết hiện nay cả mặt bằng thi công hai đoạn vẫn còn có nhiều điểm vướng trụ điện, đường dây cao thế 220kV và 500kV. Nếu phía điện lực không sớm giải quyết dứt điểm thì tiến độ dự án cũng ảnh hưởng lớn.